Trưởng phòng kinh doanh – Khái niệm, mô tả công việc, kỹ năng, lương
Bạn là một nhân viên kinh doanh có đầy đủ kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn cần có. Bạn đang ấp ủ kế hoạch thăng tiến cho sự nghiệp của mình. Một chức vụ đẳng cấp cao hơn, ở cấp độ quản lý, ví dụ như Trưởng phòng kinh doanh. Nhưng bạn vẫn đang băn khoăn không biết bản thân đã đủ sức nắm giữ vị trí này hay chưa. Vậy thì bài viết này sẽ dành cho bạn. Từ nhân viên trở thành trưởng phòng cần những điều kiện, yêu cầu cụ thể gì.
Trưởng phòng kinh doanh là gì?
Trưởng phòng kinh doanh tiếng anh là Sales Manager. Đây là người chịu trách nhiệm cho các hoạt động tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, bộ phận này còn đề ra các chiến lược kinh doanh giúp tăng doanh thu và khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.
Trưởng phòng kinh doanh phụ trách quản lý và hỗ trợ một đội ngũ đại diện bán hàng riêng. Hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm thiểu vai trò kinh doanh của Sales Manager. Vai trò đó sẽ được chuyển dần sang các đại diện bán hàng.
Nhiệm vụ, trọng trách của trưởng phòng kinh doanh
Trách nhiệm và quyền hạn của người trưởng phòng có thể khác nhau ở mỗi doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, nó thường tập trung xoay quanh ba yếu tố: con người, công ty và khách hàng. Sau đây là những nhiệm vụ mà một trưởng phòng kinh doanh cần phải thực hiện.
Quản lý nhân sự trong bộ phận
Đầu tiên, người giữ vị trí trưởng phòng sẽ chịu trách nhiệm với toàn bộ nhân sự trong bộ phận. Trưởng phòng sẽ phổ biến các tiêu chuẩn công việc cho các nhân viên kinh doanh, đại diện bán hàng. Các chỉ tiêu đề ra phải đảm bảo thực tế và có tính khả thi cao.
Tiếp theo, việc đảm bảo hiệu quả hoạt động của nhân viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Người trưởng phòng cần thúc đẩy các thành viên hướng đến hiệu quả chung cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trưởng phòng kinh doanh cần tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên. Phải đảm bảo nhân viên có thể sử dụng phần mềm, công nghệ mới vào trong công việc. Vấn đề tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới cũng cần có sự tham gia của người trưởng phòng.
Cuối cùng, trưởng phòng có quyền sa thải những nhân viên nào không đáp ứng được mục tiêu công việc. Hoặc trường hợp nghiêm trọng hơn thì báo cáo cấp quản lý để có hướng xử lý phù hợp.
Quản lý việc kinh doanh
Người quản lý bán hàng phải xác định các mục tiêu gồm tăng trưởng doanh số, mở rộng thị trường, thu hút khách hàng. Từ đó, họ sẽ thiết kế các chiến lược để đạt được các mục tiêu đó.
Trưởng phòng kinh doanh sẽ tiến hành phân tích dữ liệu, kết quả bán hàng và kinh doanh. Dựa vào những số liệu đó, họ sẽ dự báo doanh thu hàng năm, hàng quý của công ty. Ngoài ra trưởng phòng kinh doanh còn phối hợp với bộ phận marketing của công ty để xây dựng kế hoạch quảng bá một cách hiệu quả.
Quản lý nhu cầu khách hàng
Có thể nói trưởng phòng kinh doanh là cầu nối giữa công ty và người mua hàng. Trưởng phòng phải duy trì mối quan hệ cung-cầu với khách hàng. Từ đó xây dựng lòng trung thành của họ đối với doanh nghiệp.
Người trưởng phòng cần nắm rõ nhu cầu và sở thích của khách hàng. Đặc biệt, họ phải dành nhiều thời gian để phân tích khách hàng và người tiêu dùng.
Để gia tăng nhu cầu của khách hàng, trưởng bộ phận có thể đưa ra những chương trình khuyến mại phù hợp. Các chương trình này được xem xét cẩn thận dựa trên kết quả của các phân tích và dự báo.
Nhiệm vụ khác
Ngoài những nhiệm vụ trên, người trưởng phòng sẽ thực hiện thêm những công việc theo yêu cầu của ban lãnh đạo.
Bảng tổng hợp mô tả công việc của một trưởng phòng kinh doanh
- Nghiên cứu biến động thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh.
- Xây dựng và tối ưu toàn bộ quy trình bán hàng.
- Quản lý đội ngũ nhân viên kinh doanh, theo dõi hiệu quả làm việc.
- Tuyển dụng nhân sự, đào tạo kỹ năng cho nhân viên.
- Xây dựng, phát triển các mối quan hệ khách hàng.
- Báo cáo tình hình kinh doanh trước ban quản trị.
Yêu cầu cần có khi ứng tuyển việc làm trưởng phòng kinh doanh
Học vấn
Nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên có bằng đại học về các lĩnh vực kinh doanh, kinh tế,…. Lưu ý, học vấn liên quan tới toán học hoặc phân tích số liệu có thể là lợi thế. Tuy nhiên, kinh nghiệm làm việc tương đương có thể được cân nhắc nếu ứng viên chứng minh được khả năng của bản thân.
Kinh nghiệm
Kinh nghiệm thường là yếu tố quan trọng mà ứng viên ứng tuyển vào vị trí Sales Manager cần có. Số năm kinh nghiệm có thể khác nhau tùy theo doanh nghiệp tuyển dụng. Tuy nhiên con số sẽ dao động trong khoảng ít nhất từ một đến năm năm.
Ứng viên Sales Manager thường xuất phát từ những vị trí khác như nhân viên bán lẻ, đại diện bán sỉ, đại lý thu mua.. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, số lượng vị trí đứng đầu phòng kinh doanh thường bị hạn chế. Do đó thời gian thăng tiến thường lâu hơn so với các doanh nghiệp lớn.
Kỹ năng cần có
- Kỹ năng phân tích: kỹ năng hữu ích không thể thiếu nếu bạn muốn đảm nhận vị trí này. Người trưởng phòng luôn phải phân tích số liệu để tìm ra các chiến lược kinh doanh tối ưu nhất
- Kỹ năng giao tiếp tốt: giúp ích trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, khách hàng và đối tác. Nên hình thành thói quen: Lắng nghe trước – Trả lời sau.
- Kỹ năng lãnh đạo: để hướng dẫn và đánh giá lực lượng bán hàng trong bộ phận.
- Kỹ năng trong dịch vụ chăm sóc khách hàng: yếu tố cần thiết để lắng nghe và phản hồi khách hàng.
Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp khi ứng tuyển trưởng phòng kinh doanh
Dưới đây là bộ câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn vị trí trưởng phòng kinh doanh:
- Mô tả sản phẩm mà bạn từng chịu trách nghiệm kinh doanh. Tại sao khách hàng lại lựa chọn mua sản phẩm của bạn mà không phải những nơi khác?
- Mô tả quy trình sales mà bạn từng thực hiện. Ưu nhược điểm của quy trình đó là gì? Bạn đã bao giờ thay đổi quy trình để cải thiện hiệu suất chưa?
- Mô tả quá trình đưa ra quyết định mua hàng của khách hàng. Ai có ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của họ? Bạn cần làm gì để chốt đơn hàng?
- Mô tả kinh nghiệm đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh. Thời điểm nào bạn cần phải khuyên nhân viên từ bỏ theo đuổi khách hàng?
- Mô tả giải pháp khi nhân viên kinh doanh có hiệu suất kém, không đạt KPIs. Bạn giải quyết mâu thuẫn nội bộ như thế nào?
- Mô tả kinh nghiệm của bạn trong việc dự báo tăng trưởng doanh số.
Cập nhật mức lương mới nhất cho vị trí vị trí trưởng phòng kinh doanh
Công việc này luôn được đánh giá là một trong những công việc có mức lượng hấp dẫn thuộc top đầu. Tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà mức lương trưởng phòng kinh doanh sẽ có sự chênh lệch.
Lương khởi điểm của vị trí trưởng phòng thường rơi vào khoảng 10-15 triệu/tháng. Ngoài lương cứng, họ còn có quyền lợi nhận thêm hoa hồng theo doanh số. Vì thế, tổng thu nhập thực tế sẽ cao hơn nhiều. Các con số khảo sát cho thấy trung bình mức lương sẽ ở khoảng 25 triệu/tháng.
Đối với doanh nghiệp trong nước, mức lương trưởng phòng dao động 20-30 triệu/tháng. Còn với doanh nghiệp nước ngoài, mức lương có thể cao hơn 2 đến 3 lần.
Tại Hà Nội, mức lương trưởng phòng kinh doanh dao động từ 12-27 triệu/tháng. Tại Hồ Chí minh, mức lương sẽ dao động trong khoảng 13-29 triệu/tháng. Yêu cầu kinh nghiệm từ 2-5 năm.
Kết luận
Nội dung bài viết này đã giới thiệu khái quát cho mọi người biết về khái niệm, nhiệm vụ, yêu cầu, mức lương của trưởng phòng kinh doanh. Hi vọng những thông tin trên giúp ích cho bạn trong quá trình định hướng phát triển sự nghiệp.
Bài viết này thuộc series Phòng kinh doanh. Xem thêm các bài viết liên quan: